Friday, August 29, 2008

Cà phê Sài Gòn và những điều rất riêng

(VietNamNet) - Người nào từng gắn bó và yêu những quán cà phê Sài Gòn, sẽ biết từng thời điểm ngồi ở quán nào, mới cảm nhận hết được những nét đẹp của đất trời, của mỗi quán. Và nếu ai cảm thấy tâm hồn mình ngày càng khô cứng, ngày càng dửng dưng, hãy chọn một chiều mưa, đến quán và ngồi vào cái bàn ngóng ra mặt hồ, chắc chắn những hạt mưa sẽ làm lòng mềm lại.

Bạn của mình!

Mình đang ngồi trong quán cà phê Tĩnh Lặng - cái quán mà một lần cậu vào thăm Sài Gòn, chúng ta thường ở đó hàn huyên chuyện cũ. Có lẽ vì thế mà giờ đây mình thấy nhớ cậu da diết. Cũng góc nhìn ấy, cũng cái bàn này nhưng thiếu đi một người, trống ra một chỗ ngồi…

Sài Gòn giờ đang mưa. Mưa Sài Gòn bây giờ không còn giống người ta vẫn nói “chợt mưa, chợt nắng” mà nhiều khi dầm dề đến hoang mang. Mình ngồi nhìn mưa rơi qua ly cà phê thủy tinh cũng đang thánh thót từng giọt mà ngẫm nghĩ về lẽ vô thường của cuộc đời.
Quán vắng. Bản tình ca buồn ngân nga giữa cơn mưa mùa hạ. Từng âm thanh thánh thót rơi theo những giọt mưa, gõ nhịp vào hồn mang mang cái cảm giác “lòng thật bình yên, mà sao buồn thế”. Người Sài Gòn “hơi” thiếu lãng mạn nên ít ai đội mưa đến quán chỉ để thưởng thức ly cà phê và ngồi nhâm nhi chuyện đời như đã có lần mình và cậu đã làm ở một quán cà phê rất cũ của Hà Nội mà giờ cả hai chẳng còn nhớ tên.
Ảnh: Nam Hoài
Cà phê sáng Tao Đàn. Ảnh: Nam Hoài

Hai đứa ở hai nơi nhưng cả cậu và mình đều có chung sở thích lang thang đi tìm những quán cà phê độc đáo, dù nó ở bất kỳ hang cùng ngõ hẻm nào. Mình biết cậu rất yêu những quán cà phê cũ kỹ nhưng ấm cúng ở Hà Nội, những quán trà vỉa hè với bà cụ tóc bạc ngồi dưới gốc cây sẵn sàng trao cho khách chén trà nóng làm ấm lòng những người bộ hành giữa trời đông giá.

Mình đã về Hà Nội nhiều lần, được dẫn đến rất nhiều quán cà phê mà cậu yêu thích. Những lúc đó, mình thích quán cà phê ấy nhưng cũng nhớ cà phê Sài Gòn da diết.

Không biết có phải tại Hà Nội chật chội, hay tại người Hà Nội thích không gian gần gũi, ấm cúng nên mình thấy các quán cà phê ở đây thường rất nhỏ. Có khi chỉ là một căn phòng với ánh đèn vàng trên căn gác cũ kỹ nhưng đã tạo ra một thế giới ấm áp khác với cái rét buốt đang luồn da cắt thịt ngoài kia.
Có khi chỉ là một góc vỉa hè nhưng tất cả chuyện thời sự, chuyện SEA Games, chuyện chiến tranh Vùng Vịnh, chuyện đời, chuyện trong nhà, chuyện ngoài phố đều góp mặt. Khi là một góc Bờ Hồ với những chiếc ghế gỗ thấp có thể ngồi đón gió và đếm lá rơi mặt hồ. Có khi là một ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong con hẻm phải đi vòng vèo qua bao lối rẽ mới có thể tìm ra… Sài Gòn hình như không giống thế.
Các quán cà phê Sài Gòn thường có không gian rộng và rất "thiên nhiên". Có lẽ tại cuộc sống nơi đây quá ồn ào nên con người thường thèm muốn giữa chốn đô thị ấy có được một góc cỏ cây cho riêng mình.
Cà phê Sài Gòn có đủ phong cách. Sang trọng có, bụi bặm có, ồn ào náo nhiệt có, thơ mộng, nhẹ nhàng, lãng mạn cũng không thiếu. Mình vốn không thích những quán cà phê hào nhoáng và sang trọng với tiếng nhạc ầm ĩ nên thường tìm đến các quán có nhạc nhẹ trữ tình, nhiều cây và gần gũi với thiên nhiên.
Ảnh: Hoài Nam
Một góc cà phê Du Miên. Ảnh: Nam Hoài
Người nào từng gắn bó và yêu những quán cà phê Sài Gòn sẽ biết từng thời điểm ngồi ở quán nào, mới cảm nhận hết được những nét đẹp của đất trời, của mỗi quán.
Buổi sáng, mình thường đến một quán cà phê trong công viên Tao Đàn, vì đây chính là nơi lý tưởng nhất để tận hưởng không gian trong lành và bình yên của ngày mới. Mỗi lần ra Hà Nội, mình và cậu cũng hay uống cà phê sáng nhưng thường là những quán vỉa hè đông đúc mà không gian riêng của mỗi người chỉ có thể là hai cái ghế, một ngồi và một để cà phê, hay những quán nhỏ cũ kỹ hàng mấy chục năm tuổi.

Ở đây, mình có một không gian rộng hơn với vòm cây xanh um xòe tán trên đầu và tiếng chim hót líu lo trong trẻo. Chỉ cần nhắm mắt lại, đắm chìm vào bản nhạc du dương của thiên nhiên hay mở mắt ra quan sát một con chim hót trong lồng, một chiếc lá vàng đang rơi, một cử chỉ tình nghĩa khi cụ ông đưa chiếc khăn cho cụ bà lau giọt mồ hôi sau buổi tập thể dục, chắc chắn cậu sẽ có cơ hội nhìn rõ hơn gương mặt cuộc sống, thấy cuộc sống đẹp bởi những điều thật bình dị.

Buổi chiều, mình thích ngồi ở những quán như Tĩnh Lặng, hay những quán sân vườn khác để cảm nhận được cái yên tĩnh của một khu vườn. Đây là thời điểm quán vắng nhất, nhiều khi chỉ có ta với ta. Gọi một ly cà phê ngồi nhâm nhi với bóng hoàng hôn, mình cảm thấy cuộc sống này thật yên bình. Ngồi nhìn buổi chiều đi qua và suy tư, mỗi người sẽ hiểu được cái đẹp của nỗi buồn, cái đẹp của sự cô đơn hoang vắng. Chỉ cần thế rồi đi, nhưng tâm hồn sẽ cảm thấy nhẹ tênh giữa gánh nặng đời thường.

Ảnh: Hoài Nam
Chờ đợi. Ảnh: Nam Hoài

Buổi tối là thời gian dành cho bạn bè. Đây là lúc Sài Gòn rực rỡ ánh đèn màu, cũng là lúc phân biệt rõ nét nhất từng phong cách cà phê. Nếu ai thích ồn ào, náo nhiệt hãy đến những quán sang trọng, trang trí cầu kỳ hay những phòng lạnh nhạc đập ầm ĩ và lẽ dĩ nhiên đến chỉ để nghe nhạc, khó có thể nói chuyện được với nhau.

Nếu ai thích nhẹ nhàng lãng mạn, hãy đến những quán sân vườn hoặc những quán trang trí theo phong cách cổ điển có khi là kiểu Pháp, có khi là kiểu đèn lồng Hội An hay kiểu mái rạ Bắc Bộ, ngồi thưởng thức nhạc tiền chiến, nhạc nhẹ hay nghe piano mà vẫn có thể tâm tình cùng bạn bè.

Những lúc buồn, mình hay đi một mình, đến một quán quen, ngồi vào góc tối nhất, nhìn thiên hạ qua lại và có khi ngồi… khóc. Mình vẫn nhớ mãi cái quán ấy, nơi có ông chủ tốt bụng đã từng chia sẻ khi mình ngồi lặng lẽ khóc ở một góc quán. Ông đã mang bánh ra cho mình ăn, lắng nghe mình nói, cho mình những lời khuyên và khi ra về đã không… tính tiền.

Ông là một nhiếp ảnh gia, đồng thời là một người say mê Thiền nên từ ông mình đã "ngộ" ra rất nhiều điều chân lý của cuộc sống. Khi nào cậu vào, nhất định mình sẽ dẫn cậu tới đó để ngắm những bức ảnh lưu lại nhiều khoảnh khắc tuyệt vời của nhân gian mà ông đã đi khắp mọi nẻo đường đất nước ghi lại.

Những lúc mưa, cầm ô lang thang đến một quán cà phê nào đó hay ngồi sẵn ở quán và ngóng cơn mưa đến rồi đi qua cũng là cách để tâm hồn mình thanh thản và sâu lắng. Cậu biết chỗ nào ngồi ngắm mưa thú vị nhất Sài Gòn không? Đó là căn gác của quán Gió Bấc gần Hồ Con Rùa đấy.

Những giọt mưa rơi trắng xóa mặt hồ dù nhỏ qua làn kính vẫn mang một nỗi buồn xa vắng liêu trai. Và nếu ai cảm thấy tâm hồn mình ngày càng khô cứng, ngày càng dửng dưng, hãy chọn một chiều mưa, đến quán và ngồi vào cái bàn ngóng ra mặt hồ, chắc chắn những hạt mưa sẽ làm lòng mềm lại.

Đôi khi cuộc sống làm tâm hồn con người ta chai sạn không thể khóc được thì khoảnh khắc ấy, giọt nước mắt trong như pha lê biết đâu sẽ long lanh trên má và rửa hết những lấm láp bụi đời.

Sài Gòn còn có những quán bờ sông rất lãng mạn. Nếu như Hà Nội có nhiều quán cà phê ven hồ thì cà phê bờ sông là một nét riêng rất Sài Gòn.

Sáng chủ nhật, nếu cậu muốn gặp gỡ bạn bè, ngồi tán chuyện hay đánh bài tiến lên thì hãy tìm mình nhé, nhất định mình sẽ dẫn cậu đến một cái quán mà cậu sẽ có cảm giác hình như mình đang ngồi giữa mênh mông sông nước, giữa đại ngàn gió thổi.

Cậu cứ quay lại Sài Gòn một lần nữa đi với thời gian và sự rảnh rỗi, mình sẽ dẫn cậu khám phá những quán cà phê độc đáo ở Sài Gòn mà chắc chắn khi về cậu sẽ nhớ mãi. Tất nhiên có nhiều quán mình chẳng kể ra đây vì mình muốn bí mật để tạo cho cậu sự ngạc nhiên. Hãy đến tìm mình khi cậu muốn tìm sự khác biệt giữa cà phê Hà Nội và Sài Gòn nhé!

Tạm biệt và hẹn gặp lại giữa Sài Gòn!

  • Nam Hoài
View blog reactions

Ly cà phê đắng và hương vị cuộc đời

(VietNamNet) - Câu nói của bạn tôi: "Trong ly cà phê có hương vị của cuộc sống" tình cờ đã dẫn dắt tôi đến với thú văn hoá ẩm thực cà phê. Từ một đệ tử của trà tôi dần dà kiêm cả đệ tử của cà phê.

Nhưng thú vị hơn thế, tôi đã được biết, và bây giờ muốn được sẻ chia cùng bạn bè, từ một vài hiểu biết về sự tinh tế của cách thức lựa chọn, xử lý, pha chế để có được chất cà phê thuần khiết đến đôi chút chất triết lý cuộc đời thú vị ẩn chứa trong một tách cà phê thơm ngon.

Chọn hạt cà phê - Chắt lọc niềm vui

Có hai loại cà phê phổ thông trên thị trường, đó là Robusta và Arabica.

Robusta được trồng ở vùng đất thấp so với mặt biển, nơi có nhiệt độ ấm áp, là những hạt cà phê có mùi đậm, hàm lượng caffeine cao nhưng không nhiều hương thơm, gọi là cà phê vị. Arabica thì mọc tốt ở nơi có địa thế cao, đất ẩm nhưng không đọng nước. Arabica vị nhạt hơn nhưng thơm hơn, được gọi là cà phê mùi.

Nhưng dù là Arabica hay Rosbuta, không phải bất kỳ hạt cà phê nào cũng đem lại một tách cà phê thơm ngon. Muốn có được loại cà phê hảo hạng thì điều đầu tiên cần chú ý là việc lựa chọn hạt cà phê. Chỉ những hạt cà phê được kỳ công lựa chọn mới mang lại cho bạn tách cà phê như ý.

quancaph_LAD.jpg
Bên tách cà phê bàn công chuyện và hàn huyên bạn bè là thú vui của nhiều người trẻ Hà Nội bây giờ . ( Ảnh: Lê Anh Dũng)

Cũng như thế, trong quá trình sống ta luôn gặp những điều thành công và thất bại. Thất bại cho ta bài học, thành công đem lại niềm vui. Nhưng mỗi ngày qua luôn có rất nhiều sự kiện mà không phải sự kiện nào cũng cần thiết phải ghi nhớ lấy.

Muốn sống một cuộc sống tích cực và hạnh phúc, ta chỉ cần lưu lại trong ký ức mình những bài học lớn nhất và những niềm vui sâu sắc nhất. Bỏ qua những kỷ niệm đau buồn trong đời, những lỗi lầm không thể sửa đổi, dù của mình hay của ai khác.

Và đừng bao giờ xây dựng một ngày của mình bằng niềm vui có được khi khiến người khác phải đau khổ.

Đúng độ chất cà phê - chính xác buồn, vui cuộc đời

Rang hạt cà phê ở nhiệt độ thích hợp và xay chúng đúng cách cũng là bí quyết trong quá trình chế biến cà phê. Quá trình này có thể tăng hoặc thêm hương vị cho loại cà phê hảo hạng hoặc vô tình phá hủy những hạt cà phê ngon mà chúng ta đã tốn nhiều công sức chọn lựa.

Rang thiếu lửa hay xay cà phê quá thô sẽ khiến cà phê có mùi vị nhạt nhẽo, buồn tẻ, còn nếu rang quá lâu hay xay quá nhuyễn sẽ khiến bột cà phê trở nên khét đắng.

Như khi nhìn nhận một vấn đề xảy ra trong đời, dù khổ đau hay hạnh phúc, bạn hãy nhìn thẳng vào nó, đau khổ đúng như cần phải đau khổ như thế, và hạnh phúc đúng như bạn được hạnh phúc như thế.

Khi bạn biết chính xác điều gì đang xảy ra, không thậm xưng những đau đớn, không lơ đãng mà quên tận hưởng những niềm vui nhỏ…, bạn thực sự đang sống cuộc sống đẹp đẽ của mình, đi chính xác con đường của mình, nếm trải tất cả những niềm vui, nỗi buồn mà nó mang đến cho bạn, và không cần phải hối tiếc điều gì.

Giọt cà phê thanh khiết - con tim nhân ái với người

Dùng ly và phin cà phê sạch cộng với thứ nước thanh khiết nhất để pha cà phê. Chỉ có như vậy, cà phê bạn pha mới có hương vị tinh khiết, thơm ngon.

Cũng như việc mỗi ngày bạn đã trăn trở với bao suy tư, gặp gỡ bao nhiêu con người. Một ngày chỉ thật sự đẹp khi bạn đã sống với những ý nghĩ hồn nhiên, nhân hậu và đã dành cho những người bạn gặp thứ tình cảm chân thành.

Cẩn trọng trong từng lời sẽ nói, giống như lau thật khô phin pha cà phê trước khi pha, bạn sẽ mang lại cho người đối diện cảm giác được trân trọng hay ít ra không vô ý làm tổn thương ai.

Và khi thật sự trong lòng bạn là những tình cảm tốt lành, nụ cười của bạn sẽ tỏa sáng và bạn có thể mang lại điều tốt đẹp nhất cho ai đó may mắn được ở bên cạnh bạn, cũng như mang lại nỗi an lành cho chính mình.

Nóng hổi ly cà phê - nồng nhiệt với cuộc đời

Hãy thưởng thức ly cà phê ngay khi mới pha xong. Và bạn hãy nói lời cảm ơn ngay khi có ai đó làm bạn vui, tức giận ngay khi người làm bạn buồn còn đứng trước mặt bạn, nhận lỗi ngay khi làm ai đó khóc, an ủi ngay khi bạn bè gặp chuyện buồn…

Bạn cần thiết phải sống hết mình với thời gian hiện tại, bởi vì thời gian đã qua đi không bao giờ quay trở lại nữa. Điều này thật cũ kỹ nhưng sẽ không bao giờ hết ý nghĩa. Bạn hãy trân trọng ngay chính giây phút này đây, dùng thời gian hiện tại này để làm điều gì đó ý nghĩa, thay vì để tất cả trôi qua rồi dùng nốt thời gian còn lại hối tiếc về mọi điều đã không làm. Đừng lãng phí thời gian hiện tại để đắn đo quá mức hay để dằn vặt mãi về những điều đã xảy ra.

Như cần phải thưởng thức ngay ly cà phê mới pha xong để cảm nhận hương thơm và vị quyến rũ của nó, thay vì để nó trở nên chua và đắng ngắt.

Không tiếc bã cà phê - đứng thẳng lên sau nỗi buồn

Lời cuối cùng tôi muốn sẻ chia là đừng bao giờ dùng lại bã cà phê đã pha. Khi muốn có một tách cà phê mới, bạn hãy bắt đầu bằng những thìa bột cà phê mới.

Trong đời cũng thế, chiêm nghiệm về những thất bại luôn mang cho ta bài học tốt. Nhưng khi bắt đầu đứng lên, dù để làm lại điều mà bạn đã thất bại hay để bắt đầu làm điều gì đó khác, bạn hãy chuẩn bị cho mình lòng nhiệt tình và tự tin mới mẻ. Đừng lặp lại những sai lầm cũ, và cũng đừng đắng cay mãi về những đau khổ cũ, tất cả đã qua rồi.

Chia sẻ một vài hiểu biết nhỏ nhoi về nghệ thuật pha chế cà phê và triết lý cuộc đời óng ánh trong ly cà phê, người viết hy vọng mỗi ly cà phê đắng sẽ ngọt ngào thơm tho thêm và mỗi cuộc đời dù có nặng nhọc, phiền muộn... cũng sẽ nhẹ nhàng và tươi đẹp hơn.

  • Hoài Thu
View blog reactions

Sài gòn cà phê... lạ




Bạn cần trầm tư, mặc tưởng hay "hâm nóng" tình yêu đã có phần phôi pha theo năm tháng mưu sinh. Bạn muốn tìm ý tưởng mới cho công việc, trau dồi ngoại ngữ hay mua vài món nội thất xinh xinh. Mời bạn hãy ghé qua những quán cà phê Hình Như Là có một không hai ở TP HCM.

8 giờ tối, tại quán cà phê Tưởng Niệm, số 155 đường Trần Bình Trọng, quận Gò Vấp đã đông khách. Phần lớn khách đến quán cà phê khác thường đi có đôi hoặc cả nhóm bạn bè, nhưng khách đến với Tưởng Niệm thường đi một mình. Mỗi người ngồi một góc, theo đuổi những suy tư và chiêm nghiệm theo cách riêng. Không gian nơi này dường như cách biệt hẳn với thế giới nhộn nhịp và sôi động bên ngoài.

Lặng lẽ, u hoài
Đúng như tên gọi của quán, trước khi vào quán cà phê, khách phải đi qua một khu đất còn vài ngôi mộ cổ (hình như là mộ của người Hoa) được quét vôi màu trắng, vì vậy quán còn có một cái tên khác do chính những người khách đặt là quán Cổ Mộ. Vào trong quán dễ nhận thấy một không khí tĩnh lặng bao trùm. Khách đến đây, ngoài việc ngồi một mình để tưởng niệm, còn một thú vui khác là có thể tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp qua nhiều bức trướng trang trí treo khắp quán. Đặc trưng của quán còn là những bản nhạc tiền chiến luôn réo rắt như nhắc về quá khứ vừa u hoài, vừa bi tráng. Quán chia làm ba khu, khu dành cho những người đàm đạo theo kiểu Nhật, khu mái hiên treo nhiều ảnh trắng đen và khu sân vườn với thiên nhiên thoáng đãng. Một nhà thơ trẻ khá nổi tiếng cho hay: "Dù yêu thích quán này nhưng tôi chỉ đến quán lúc nào cần suy tư, bởi nếu không có tâm trạng đó thì chính tôi sẽ phá hỏng không khí nơi đây. Vì vậy chỉ khi nào muốn "Ta nghiêng vai soi lại đời mình..." thì tôi mới tìm đến quán".

Cũng với gu tương tự như Tưởng Niệm, nhưng Cõi Riêng (371/D1 Nguyễn Cảnh Chân, quận 1) lại là cõi dành riêng cho... hai người nên khách đến đây thường là những cặp tình nhân. Điểm nổi bật của Cõi Riêng là rất kén khách bởi không gian rất yên tĩnh khác hắn với khuynh hướng hôm nay. Như luật bất thành văn, khách vào quán không nói chuyện ồn ào. Khi bạn cần được phục vụ, sẽ có ngay một nhân viên đứng... im lặng ngay bên cạnh... kiên trì chờ đợi "lệnh" (tất cả cũng chỉ là lệnh thì thầm). Nền nhạc chủ đạo của quán là những giai điệu bài hát của Trịnh Công Sơn. Chính những bài hát bất hủ của nhạc sĩ này đã trở thành nét độc đáo dành cho những người mê nhạc Trịnh. Sen xanh, ly trắng, cỏ lau bày ở các góc tối, góc sáng trong căn phòng là cách trang trí ấn tượng tại đây. Chị Hoàng Hương, một khách hàng quen thuộc của quán, nhận xét: Ai không thích chỗ quá lặng lẽ thì đừng đến. Nhưng ai đã sợ ồn ào, từng bị ám ảnh khung cảnh náo nhiệt của phố xá thị thành thì nơi đây sẽ là... thiên đường.

Chộp bắt ý tưởng
Chỉ với diện tích gần 100m², nhưng quán La Fenêtre de Soleil (Cửa Sổ Mặt Trời) nằm ở tầng 2 trong một khu chung cư trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 (góc ngã tư Lê Thánh Tôn) luôn đông khách. Với ý tưởng sắp đặt những vật dụng tưởng như "bỏ xó", anh Takayuki Sawamura, một nhà thiết kế nổi tiếng của Nhật, đã biến căn hộ chung cư này thành một quán cà phê "không giống ai". Cửa Sổ Mặt Trời như một ngôi nhà hoang sơ với cầu thang ọp ẹp, tường gạch thô, cửa ra vào ố vàng, cũ kỹ. Cách bài trí ở đây thật lạ: Mỗi thứ chỉ một món. Ở góc này là một chiếc giường cổ giăng mùng dành cho khách ngồi thưởng thức cà phê, ở góc kia là một mặt bàn được làm từ khung cửa rỉ sét. Chiếc đồng hồ quả lắc cách đây vài thập kỷ là điểm nhấn, gợi nét hoài cổ về nội thất thời thuộc địa. Phần đông khách đến đây đều là dân làm trong ngành quảng cáo, vì vậy họ coi Cửa Sổ Mặt Trời như là nơi lý tưởng để gợi tư duy và tìm thông tin về một ngành hiện được xem là thời thượng. Nguyễn Quí, nhân viên một công ty quảng cáo, cho biết: Nơi đây có thể xem là một trường học dành cho người muốn hiểu biết thêm về các kỹ xảo, kỹ thuật trong quảng cáo. Nhiều người đang làm nghề copywriter (viết bài quảng cáo) còn xem quán là nguồn cảm hứng để sáng tạo. Tại đây, khách còn có thể trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình vì ngôn ngữ được sử dụng nhiều ở quán là tiếng Anh và tiếng Pháp. Điểm khiến Cửa Sổ Mặt Trời trở thành quán lạ còn ở chỗ, do phục vụ chủ yếu cho người làm công ty nên quán chỉ mở cửa từ 11 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày. Sau 19 giờ là hoạt động của quán bar và đóng cửa vào ngày chủ nhật.

Quán Hình Như Là trên đường Nguyễn Đình Chính, Phú Nhuận lại dành riêng cho các bạn trẻ. Quán không rộng nhưng lúc nào cũng đông khách. Mới 19 giờ, nhưng quán đã không còn một chỗ ngồi. Điểm thu hút khách chính là... những cuốn nhật ký. Mỗi người khách đến đây đều có thể trải lòng mình trên những trang giấy, từ những khoảnh khắc hạnh phúc của một đôi bạn trẻ đang yêu đến những phút giận hờn vu vơ hay đơn giản chỉ là những khi bị điểm kém trong học tập..., tất cả đều được lưu lại đây. Quán sẽ chọn lọc những đoạn nhật ký hay nhất để chuyền đọc. Có thể tìm ở đây một cảm nhận dễ thương như: "Sao hẹn anh mà em lại không đến? Ngoài trời đang mưa, chẳng biết em có nhớ mang theo áo mưa không hay lại lấy cớ quên để thỏa thích vùng vẫy trong mưa, để mặc mưa tạt vào mặt, vào người mình... Một thói quen mà từ khi yêu anh, em phải từ bỏ...". Có thể nói những câu viết ở đây khá văn vẻ mùi mẫn, toát lên một cõi lòng... không hề sợ ai đàm tiếu. Vợ chồng anh Nghĩa - chị Xuân, cặp khách hàng lâu năm của quán, cho biết: "Thỉnh thoảng chúng tôi quay trở lại quán, đọc những dòng lưu bút dành cho nhau thời đang yêu... để "hâm nóng" lại tình yêu của mình".

Mua gì-bán nấy
Khó có thể kể hết, đi hết các quán cà phê lạ. Cách đây hai tháng, tại 37 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 mới khai trương quán Nirvana (có tên tiếng Việt là Niết Bàn). Dù nằm ở trung tâm TP nhưng rất ít người biết đến quán bởi nhìn từ bên ngoài, quán giống như một ngôi biệt thự khép kín. Đúng như cõi Niết Bàn, không khí trầm mặc, tĩnh lặng, ánh sáng hư ảo của căn phòng từ hàng trăm ngọn đèn dầu. Nội thất nơi này là đồ gỗ giả cổ với những tấm phản lớn, ghế bành, rương, gụ... Khách đến quán thích không gian góc tối, góc sáng của Niết Bàn, họ ngồi hàng giờ trong tư thế thiền và hít thở không khí trong lành từ khu vườn cây, tiểu cảnh trồng đầy hoa sen và hoa súng. "Nhưng điểm đặc biệt nhất của quán lại là dịch vụ bán hàng nội thất. Khách có thể chọn mua vật dụng bày tại đây, từ chiếc quạt cổ, đèn cổ hay bàn ghế với nhiều kiểu khác nhau". Một nhân viên phục vụ quảng cáo như vậy.

Riêng quán I-box (135 Hai Bà Trưng, quận 1) lại thiên về xu hướng nội thất châu Âu. Khách vào quán có cảm giác như được uống cà phê ngay tại nhà của mình bởi kiểu trang trí của quán như căn nhà thu nhỏ với những bộ sofa, bàn ăn, bàn phấn, gương soi.. Toàn bộ nội thất và các vật dụng ở đây đều được bày bán nên khách có thể chọn mua bất cứ món nào. Mỗi món hàng đều được ghi sẵn giá bán, món đắt tiền có giá từ vài chục đến vài trăm đôla như bộ xa-lông, tủ kệ, ghế, đèn ngủ... đến những món chỉ vài đôla như gối ôm, khăn trải bàn, khăn ăn, rèm cửa... thậm chí bán luôn cả ly, chén... nếu bạn muốn mua. Chị Liên Hoa, một khách hàng thích sưu tập đồ trang trí nội thất, thỉnh thoảng vẫn đến quán để chọn mua những vật dụng nội thất mới được bày bán.

Sài Gòn cà phê lạ không chỉ dừng lại ở vài quán trên đây. Vào những điểm khác nhau, một số quán vẫn có những hình thức phục vụ độc đáo. Như quán Yoko trên đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3 là nơi tụ họp của các sinh viên ngành xây dựng, kiến trúc, bởi chủ quán này là những chàng sinh viên trường kiến trúc. Vào những tối cuối tuần, chính những chàng trai này tự đàn, tự hát những nhạc phẩm Beatles bất hủ để phục vụ khách. Gần đây, nhiều người hay nhắc đến quán Yesterday (trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1) bởi sự xuất hiện một lồng chim bồ câu lớn - biểu tượng của hòa bình - được treo trước cửa quán.
(NLĐ)
View blog reactions

Vietnam Enchanted By Coffee



Vietnam is in the midst of a lover affair with coffee that is bound to be a critical factor in pushing forward economic development.

Vietnam is the second largest coffee exporter, topped only by Brazil, and it has the highest number of coffee drinkers in the world.

Coffee is well on its way to becoming the country’s top industrial product.

This was made clear by the success of the Coffee Cultural Week, which wrapped up in Hanoi earlier this month and kicks off today in Ho Chi Minh City.

The event in Hanoi was a big hit, drawing more than 100,000 visitors who came to enjoy their favorite drink as well as to pick, grind and roast their own beans.

In addition, coffee entrepreneurs from all around the world attended, looking for a niche in this potentially lucrative market.

The government has directed concerned agencies to help establish a stronghold for Vietnamese coffee in the world market and turn the central Province of Dak Lak, the premier coffee-growing region of Vietnam,into an international coffee hub.

Thousands of coffee aficionados will jam Tao Dan Park in HCMC, celebrating their love for coffee in the southern extension of the four-day Coffee Cultural Week.

The question “Have you become a fan of coffee?” nailed onto the giant gate at the entrance of the exhibition, calls out to every Vietnamese person who supports domestic industry as well as Vietnam’s growing stature in the world community.

Coffee is one of the world’s most important primary commodities.

With over 500 billion cups consumed every year, coffee is one of the world’s most popular beverages, comprising about a third of tap water consumption.

Vietnam is lucky to have the potential to become a “hot black power” of the world.

Every Vietnamese person should contribute to make good use of that blessing and help move Vietnam into a bright future by fostering this growing industry.

By Hanh Duyen

View blog reactions

Anh có yêu Sài Gòn không???


Anh có yêu Sài Gòn không. Anh chả biết. Mười lăm năm, ở Sài Gòn, và là dân Sài Gòn. Năm năm. Anh cũng xa Sài Gòn đủ lâu để mà nhớ. Thường anh ít khi nhớ nhung. Chỉ lâu lâu. Chỉ tình cờ mà nhớ. Hôm nay xem ảnh Sài Gòn mưa, xem Sài Gòn lội. Tự nhiên là nhớ. Nhớ Sài Gòn vào mùa mưa. Trời mưa như trút nước, và dai dẳng. Đường phố toàn nước là nước, mênh mông. Xe cộ thì vẫn đông nghẹt, và dồn cục, nhích từng bước, từng bước một. Xe máy và áo mưa. Mặt nước loang loáng. Và mùi khói xe nghen nghét. Thế mà hàng ngày anh vẫn đi học, đi chơi, đi cà phê, và đi đá bóng. Vì đá bóng mà anh cực ghét trời mưa, mưa làm sao đá bóng. Ý anh là bóng đá đỉnh cao (!). Sân Phú Thọ sau những cơn mưa dài, đầy những vũng nước to nhỏ. Và bùn nhão. Cỏ cây mọc xanh um. Bầu trời thì u ám, tối tăm. Mà anh thì vốn ghét trời tối, vì anh đá bóng mà không đeo kính. Anh xin nói thêm là anh đá hay lắm. Mặc dù không đeo kính.

Quay lại trời mưa. Ghét là ghét thế, nhưng giờ đây khi nhớ về Sài Gòn, anh lại nhớ mưa Sài Gòn. Đường phố bớt bụi bặm hơn, không khí có vẻ trong sạch hơn. Và thật là mát mẻ. Mát lạnh. Nhất là lúc ngồi trong cà phê máy lạnh (!). Nên anh ít vào cà phê máy lạnh. Đơn giản hồi sinh viên, tiền đâu mà ngồi máy lạnh. Chỉ đủ tiền vào quán đèn mờ. Đèn mờ nhưng trong sáng. Mặc dù vẫn đầy các em mắt xanh mỏ đỏ, ăn mặc hở hang. Đi qua đi lại, làm rộn ràng cả con phố nhỏ. Hai ba thằng con trai, ngồi ngay trên vỉa hè, nhâm nhi chuyện trò, lâu lâu tán dăm ba câu với các em tiếp viên, thế là mất toi mấy tiếng đồng hồ. Với chỉ một ly cà phê đá. Hôm nào đau họng thì cho anh một ly Lipton nóng. Đi uống cà phê ở Sài Gòn, anh không quan tâm đến đồ uống. Anh đi là để thưởng thức cái không khí đường phố, cái hỗn đỗn nhưng lại rất thanh bình của cái thành phố này. Tiếng xe chạy, tiếng người nói người cười. Các em gái thỉnh thoảng lại ré lên, và các cậu choai choai cũng cố gắng cười to không kém. Và nhất là chửi rất to. Đâu đó có đám cãi cọ, xa xa có vụ đụng xe. Và ngay quán bên cạnh các yêng hùng mới lớn đang vác ghế vỏ chai choảng nhau tới tấp. Vậy mà anh vẫn thấy thanh thản lạ. Mẹ bảo anh, "đi đêm lắm có ngày gặp ma". Anh toàn đi đêm. Sài Gòn về đêm dịu dàng và sáng rực. Và Sài Gòn sau cơn mưa, thì lại càng lung linh và huyền ảo hơn.

Anh có yêu Sài Gòn không. Anh chả biết. Nhưng chắc một điều là anh yêu âm nhạc. Anh thích nghe nhạc và mê ca hát. Với anh, mỗi một ký ức về Sài Gòn, lại có tên một bài hát, một giai điệu. Đa số là nhạc tiếng Anh. Lạ thế. Còn có cả nhạc Indonesia. Những giai điệu Pop dễ nghe và dễ thuộc. Hồi đấy anh mới mười hai tuổi, và anh có thể hát theo từng lời bài hát. Cả hai mặt chiếc băng cát xét cũ kỹ. Bằng tiếng Indonesia. Anh vẫn còn nhớ cái khu phố nhỏ xíu ấy, và lũ trẻ con. Những con đường đầy cây xanh, Trần Cao Vân, Phùng Khắc Khoan, Mạc Đĩnh Chi. Nhà Thiếu Nhi. Và cả Hồ Con Rùa cách đó chừng mười phút đi bộ.

Michael Jackson. Beat it, Thriller, Bad ... Làm anh nhớ đến ngôi trường cấp ba cổ kính. Cũng đầy cây xanh bóng mát. Nằm ngay góc vòng xoay. Hùng Vương, Nguyễn Văn Cừ, Lý Thái Tổ và Nguyễn Thị Minh Khai. Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Có lẽ đây là con đường mà anh đã từng đi qua nhiều lần nhất. Đường to, rộng và dài. Hai hàng cây cổ thụ. Mát mẻ giữa trưa hè. Dĩ nhiên là ở những đoạn có trồng cây. Thế nhưng khi nghe "I'm gonna mis you", anh lại nhớ những hàng me xanh um trên đường những con đường nhỏ. Những trái me lúc lỉu trên cành. Và vương vãi trên mặt đất. Lúc ngon và lúc lại chả ngon. Nhớ những lúc mưa to, trắng xóa đất trời. Những tán lá me như hòa vào những sợi mưa trắng. Mờ mờ, ảo ảo. Chắc là do anh bị cận từ nhỏ. Có lẽ thế.

Các bạn có biết Phill Collins không. Chắc biết. Nhưng có lẽ ít bạn nghe bài "Easy Lover". Nó làm anh nhớ đến khu Cao Thắng. Đường chật người đông. Đầy hàng họ quán xá. Hồi đấy anh vẫn cặm cụi đạp xe đến, chọn bài, chọn băng cát xét, trả tiền. Vài ngày sau là có một băng nhạc quốc tế với độ mười mấy bài hát, một Greatest Hitlist của riêng mình.

Anh có yêu Sài Gòn không. Anh chả biết ... View blog reactions

Cà phê Đất



Lâu lắm mới có một buổi sáng bình yên như hôm nay, nắng không cao, không thấp, trời không lạnh, không nóng, tôi không buồn, không vui. Một buổi sáng bình thường, thanh thản vừa đủ cho cà phê một mình. Một ngày bình yên hiếm hoi như tôi hôm nay thì không nên có bất cứ cái gì khuấy động. Thích hợp nhất là một chốn nhẹ nhàng, gần gũi vì mặc dù cà phê một mình tôi cũng không thích cảm thấy cô đơn.

Chọn cho mình một quán cà phê không nhỏ nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Tô Hiến Thành, quán có tên rất hiền và rất mộc:

Cà phê Đất


Lối vào nửa kín, nửa hở, chênh chếch những dây leo ken dày, xanh mát, mở ra một không gian thanh bình, nhiều cõi riêng





Phải công nhận quán có nhiều dây leo, những loại dây leo không biết tên làm quán có vẻ mềm mại, dịu dàng như một cô gái











Nếu Highlands các loại lúc nào cứng cáp như một chàng trai hiện đại, cà phê Trầm có dáng dấp một người trung niên, thì Đất sẽ là một cô gái giàu nữ tính. Những loại cây mạnh mẽ nhất của quán là cây tre, cây chuối

Bàn nào cũng có hoa tươi, những lọ hoa xinh vừa đủ gái







Bàn không quá gần cũng không quá xa, đủ để mỗi bàn là một không gian vừa câu chuyện hàn huyên











Khách của quán phần đông là sinh viên học sinh, không bao giờ thiếu chuyện để nói, đôi khi làm tiếng cười rộ lên từ một góc, những ánh mắt rạng rỡ, tươi hồng như buổi sớm.

Khách quen khéo chọn chỗ ngồi phù hợp, thích ồn thì ngoài sân vườn, trên ban công, thích thủ thỉ và nghe nhạc thì cứ trong nhà mà an tọa. Đi lên một cái cầu thang dễ thương và chọn cho mình chỗ ngồi ngoài ban công, con nhỏ lơ ngơ là tôi mới nhận ra điều đó khi không gian yên tĩnh bị phá nát bấy bằng những tiếng cười, câu đùa cao hứng.

Hì hục di cư gia tài con cóc nặng nề của mình vào một góc bên cửa sổ, ngồi nhấm nháp ly trà gừng mới chợt nhận ra bệnh cũng có cái hay, cảm giác cay cay, nóng nóng, thơm nồng của gừng làm buổi sáng thú vị hơn.

Điều làm tôi có chút không hài lòng ở quán là âm nhạc, mặc dù nhạc nhẹ nhàng, không ồn ào và có chiều sâu nhưng lại không nhất quán về phong cách. Thật khó chịu khi đang nghe Tuấn Ngọc hay Trịnh Công Sơn lại chuyển cái đùng sang nhạc nước ngoài. Nhưng thôi, một ngày dễ chịu như hôm nay thì hãy cứ thư giãn trước đã.
View blog reactions

Thursday, August 28, 2008

Trả Lại Em Yêu

Nhạc phẩm Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy. Bài này hồi đó tụi sinh viên vẫn khoái lắm vì nó gắn liền với những con đường với những ngôi trường như Đại học Luật, Đại học Văn Khoa. Hồi đó thì khoái nhất là uống chanh đường ngồi dưới những tàng cây rợp mát.

Giờ Saigon đổi thay nhiều đường cũng đổi tên chứ không còn là Tự Do Công Lý ,Duy Tân , Coca thay cho chanh đường nhưng mà vẫn nhớ Saigon hồi xưa có một thiếu nữ chợt thoáng qua trong một buổi thu mà ông Ngô Thụy Miên bồi hồi làm nên Áo Lụa Hà Đông day dứt. Giờ thì con gái Saigon đẹp lắm mini jupe và áo 2 dây ngồi BMW nhìn rất gợi cảm nhưng nhạc sĩ hổng ông nào cảm nổi ra một bài nào hết.

Trả Lại Em Yêu
(Nhạc và Lời: Phạm Duy)

Trả lại em yêu khung trời đại học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhòa

Trả lại em yêu khung trời mùa hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi lòng cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng dáng em hiền hòa

Anh sẽ ra đi về miền cát nóng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng

Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về

Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày thủ đô hẹn hò đây đó
Chủ Nhật uyên ương hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường uống môi em ngọt

Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu bạn bè củ mới
Đường buồn anh đi bao giờ cho tới
Nỗi đau cao vời nỗi đau còn dài

Trả lại em yêu trả lại em yêu
Mây trời xanh ngát
__________________
Từ lâu biết trái tim đã hững hờ chẳng yêu nhưng cứ vờ say đắm
View blog reactions

Mùa mưa lại về !

Lại một mùa mưa nữa đang đến trên đất Sài Gòn...!

Bắt đầu là những cơn mưa bất chợt, nhưng không phải là cơn mưa rả rích. Mưa nặng hạt, mưa như trút nước, ...đang nắng bỗng nhiên tối hù và mưa, khiến những ai chủ quan đều ướt sũng vì mưa!


Mưa không phân biệt ngày đêm. Giữa trưa trời mưa, chiều tối lại mưa, có khi đang ngủ: mưa, sấm sét giật mình tỉnh giấc ...


Ở riết trên đất Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng này, nhiều khi quen cả đường đi lối về của mưa! Nhưng có một điều làm tôi cứ thích thú về mưa Sài Gòn, như một nhạc sĩ đã viết "Sài Gòn chợt mưa chợt nắng...". Cái bất ngờ chợt đến, chợt đi không hẹn trước như những giận hờn vu vơ của những người đang yêu...


Lần đầu tiên nhìn thấy mưa Sài Gòn tôi đã thốt lên: "Chao ôi, sao lạ thế kia, cùng một con đường mà bên này nắng, bên kia mưa!". Đứa bạn kề vai trả lời: Ừ, mưa Sài Gòn là như vậy đó nhỏ ơi...! Đúng là lạ thiệt, không lạ sao được nó đã làm tôi thay đổi từ một cô bé không thích mưa lại có những phút ngông cuồng đi trong mưa!


Thế rồi, những cơn mưa Sài Gòn đi vào lòng tôi lúc nào không hay biết, nhất là khi tôi bắt đầu gặp anh, một cơn mưa thoảng, một lần trú chân ... để đến bây giờ mỗi khi nhìn mưa tôi lại nhớ đến người: giờ này anh đang làm gì nhỉ?

Nhưng thôi, nỗi nhớ cũng như những cơn mưa bất ngờ, chợt đến chợt đi. Và anh trong tôi cũng thế! Mưa Sài Gòn cũng thế!
View blog reactions

Mưa đầu mùa


Sài Gòn hôm nay mưa, mưa nửa trưa nửa chiều, mưa làm trưa ngắn lại và chiều dài hơn. Nắng đang khô bỗng ngọt, gió kéo nhau về đuổi bắt thênh thang... Sài gòn phóng khoáng...

Đêm lang thang trên đường, đường sau cơn mưa mềm mại, nhẹ nhàng, những gương mặt Sài Gòn thường xuyên căng thẳng thấp thoáng nét dìu dịu, người như mới hơn... Sài Gòn thanh thản...

Người sau cơn mưa dường như lãng mạn, chán chê máy lạnh tù túng, ngồi nhâm nhi tâm sự trên Highlands nhiều gió, nói với nhau nhiều hơn, cười với nhau nhiều hơn, dễ gần nhau hơn... Sài Gòn thân thiện...

Gió không phần phật, gió không yếu ớt, gió bình thường. Gió vừa đủ bay bay tóc, phất phơ áo, vừa kịp nhớ một bàn tay vuốt tóc hôm nào... Sài Gòn vắng...



Mưa Sài Gòn làm tôi nhớ nhiều đến tuổi thơ của mình, hể biết có cơn mưa lớn kéo đến tôi thường rủ đám bạn đi tắm mưa đá banh, rượt bắt, dành nhau mấy cái máng sối (có cái nước mưa ào xuống thật nhiều tắm thiệt là đã) ôi thôi là đủ trò chơi dưới mưa. Tuổi thơ của tôi thật đầy kỉ niệm với Sài Gòn...

Sài Gòn chưa bao giờ có bốn mùa như Hà Nội, nên tôi cũng không biết Sài Gòn đang giống mùa gì. Nhưng Sài Gòn đẹp, đẹp lắm!

Sài Gòn vàng, vàng nắng, vàng lá, vàng những hàng cây... Không hiểu sao Sài Gòn những ngày này nhiều sắc vàng đến vậy. Vừa hết sắc vàng của mai, đã thấy lác đác vài cây trên đường Tôn Đức Thắng chuyển màu lá, và hoa huỳnh đàn trải thảm vỉa hè.

Sài Gòn gió, gió xao xác lá vàng, gió cuốn lá tung tẩy theo từng vòng bánh xe vội vã. Lá chao nghiêng lưu luyến trên mái tóc dài duỗi thẳng đến mong manh của những cô nàng Sài Gòn đỏng đảnh.

Sài Gòn nắng, nắng không làm nhăn mặt, nắng nhẹ nhàng, mềm mại, đủ để khoe những nhan sắc mà bình thường chỉ có khẩu trang mới nhìn thấy được.

Sài Gòn hôm nay làm xao xuyến những trái tim hững hờ với Sài Gòn từ lâu lắm, gợi lên những miền nhớ không thôi.. View blog reactions

Cà phê Sài Gòn

Tan man ca phe Sai Gon
Cà phê có mặt ở tất cả các ngóc ngách của Sài Gòn
Người Sài Gòn có thể uống cà phê mọi nơi vào mọi khoảng thời gian trong ngày, nên giữa phố xá, ở mỗi con đường, trong từng góc phố, nơi nào ta cũng dễ dàng tìm gặp đủ loại hàng quán cà phê khác nhau.

Tảng sáng, có người ghé quán uống nhanh ly cà phê rồi vội vàng đến công sở cho kịp giờ nhưng cũng có không ít kẻ la cà suốt ngày ở quán vì một lý do nào đó. Quán xá có khi trở nên địa điểm thuận tiện cho việc bàn thảo, ký kết hợp đồng của những người làm ăn nhưng cũng có lúc là chỗ lý tưởng cho việc hẹn hò của các đôi lứa đang yêu hoặc là nơi hàn huyên tâm sự của bạn bè lâu ngày gặp lại. Có người tìm đến quán để thư giãn tâm hồn bằng tiếng nhạc dịu êm, tiếng suối (nhân tạo) róc rách, nhưng cũng có kẻ tìm đến quán để khỏa lấp nỗi trống vắng trong tâm can bằng những âm thanh sôi động, náo nhiệt và cũng có không ít người đến đây mỗi ngày như một thói quen khó bỏ, một chương trình đã được cài đặt sẵn, một hoạt động tất yếu trong cuộc sống thường nhật.

Để phục vụ cho những nhu cầu thưởng thức cà phê khác nhau ấy, các loại hình quán xá cà phê Sài Gòn cũng phát triển khá phong phú và đa dạng. Trước tiên phải kể đến những quán cóc, cà phê vỉa hè có mặt khắp mọi nơi. Chỉ cần vài bộ bàn ghế nhựa kê sát lối đi, bày ra cũng nhanh, dẹp vào cũng lẹ mỗi khi trật tự đô thị rảo qua. Đơn giản hơn có các quán cà phê… di động thường xuất hiện nơi các bến xe, công viên, chợ búa; người bán cho mọi thứ vào chiếc giỏ xách một tay, tay kia là thùng đá đập sẵn. Người mua, khi trả tiền xong thì tự tìm chỗ mà thưởng thức.

Ngoài cà phê sân vườn, cà phê bờ sông quen thuộc nay còn có cà phê bờ kè, là các quán nằm dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc trải dài qua các quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Cà phê truyền hình cáp phục vụ các phim nước ngoài phụ đề tiếng Việt nhưng âm thanh luôn là các ca khúc thuộc hàng top ten của giới trẻ. Cà phê bóng đá thu hút các fan hâm mộ với những đêm cuối tuần cùng giải ngoại hạng Anh, và đương nhiên mỗi mùa SEA Games, Euro, World Cup cũng là dịp doanh thu các quán này tăng đáng kể. Cà phê võng (có lẽ xuất xứ từ miền tây) tập trung nhiều ở các cửa ngõ ra vào thành phố.

Có nơi các quán cà phê trải dọc theo suốt cả đoạn đường theo kiểu "buôn có bạn, bán có phường" như: đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn Lý Chính Thắng), đường Nguyễn Văn Trỗi (gần sân bay), đường Hoàng Hoa Thám (Q. Bình Thạnh), đường Trần Cao Vân (gần hồ Con Rùa)… thậm chí nhiều nơi quán xá tập hợp thành cả… làng như: cư xá Bắc Hải (Q.10), làng đại học Thủ Đức, bán đảo Thanh Đa, khu Miếu Nổi (Bình Thạnh)… Đã có quán xá bình dân thì dĩ nhiên cũng có không ít các quán cà phê sang trọng với giá cả hơn gấp nhiều lần lúc nào cũng tấp nập khách khứa với đủ loại xe tay ga, xế hộp…

Sài Gòn cũng là nơi khởi xướng các loại hình cà phê khá mới mẻ và độc đáo như cà phê Internet xuất hiện đầu tiên vào cuối thập niên 90 trên đường Trần Quang Khải, sau được phổ biến ở nhiều nơi khác. Cà phê BCS trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên là một mô hình khá thành công với mục tiêu tuyên truyền, tư vấn về căn bệnh AIDS; Cà phê Con Đóm đường Vũ Tùng (Q.Bình Thạnh) còn có cả phòng tư vấn, xét nghiệm HIV. Trên đường Nguyễn Đình Chiểu, bên hông Trường ĐH Kiến trúc có một quán cà phê cũng khá ấn tượng: cà phê được đựng trong các ly nhựa, uống bằng ống hút, chỗ ngồi là mấy tấm các-tông mỏng lót dưới đất, các kiến trúc sư tương lai ngồi dựa lưng vào tường vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ngắm nhìn dòng xe cộ trên đường.

Cà phê nhạc thì có đủ loại: cà phê compact disc, cà phê với ban nhạc - ca sĩ, cà phê piano, cà phê nhạc hòa tấu… Có quán chỉ phục vụ độc nhất một thể loại âm nhạc: nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, nhạc Jazz, Discotheque… hoặc duy nhất một giọng hát cũng là tên của quán như: Tuấn Ngọc, Khánh Hà… Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin cũng góp phần sản sinh hàng loạt quán cà phê wifi (truy cập internet không dây), có quán còn có dịch vụ cho thuê cả laptop, ipod. Cà phê sách trên đường Ngô Đức Kế (Q.1) lại là điểm hẹn lý tưởng cho những ai thích tĩnh lặng bên tách cà phê cùng quyển sách trên tay. Trong khi đó, cà phê Le Ga (ngã sáu Gò Vấp) nằm trên sân thượng của tòa nhà 3 tầng lại là đài quan sát lý thú cho những ai thích ngắm nhìn sân bay Tân Sơn Nhất từ trên cao. Ngồi nơi đây ta có thể quan sát những chiếc máy bay cất cánh hoặc đáp xuống đường băng với một cự ly khá gần.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Sài Gòn còn có một loại cà phê rất độc đáo: cà phê dĩa. Đó là các quán cà phê bình dân của người lao động, người bán pha sẵn cà phê bằng vợt, đựng trong cái ấm lớn lúc nào cũng đặt sẵn trên bếp nóng hổi. Mỗi khi có khách, cà phê được rót ra ly xây chừng đặt trên dĩa để cầm cho khỏi nóng. Tuy nhiên, có mấy ai chờ được tới lúc cà phê nguội hẳn để uống vì cái mùi thơm phức cứ bốc lên ngay trước mũi. Cho nên người ta thường rót ra dĩa vừa thổi vừa uống.

Cùng với nhịp sống ngày càng phát triển, cà phê Sài Gòn cũng phát triển phong phú thêm về nội dung và đa dạng hơn về hình thức. Các loại hình cà phê có thể sẽ ngày càng mới mẻ như cà phê địa ốc, cà phê chứng khoán… thậm chí có cả cà phê… ảo! Và một điều không thay đổi theo thời gian: đó là cà phê Sài Gòn đã, đang và sẽ luôn là một nét văn hóa hết sức độc đáo không thể thiếu được của nhịp sống Sài Gòn.

Chung Thanh Huy

Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
View blog reactions

Quán cóc bên đường




Đường Võ Văn Tần có một cái hẻm nhỏ, đó là chỗ tôi hay ghé ăn khuya. Con hẻm vô danh này cũng như hàng trăm hàng ngàn các hẻm khác trong thành phố Hồ Chí Minh, là nơi tụ tập bán hàng rong, quán nhậu, là chốn lui tới của những cuộc đời cơm hàng cháo chợ.

Tôi thường đến đó để ăn sò huyết. Người nhà ai cũng dặn tôi đừng ăn nghêu sò, dễ bị bịnh thương hàn. Thế nhưng tôi phớt tỉnh vì cho bụng mình đã quen và cũng vì nhớ đến các cửa hàng coquillages ở Paris. Ở đó người ta bán nghêu sò ốc hến với một thứ giá trên trời dưới đất, không hề tương xứng với cái tên dân dã của chúng. Thế nên cứ những buổi khuya mát trời, tôi sà ngồi vào những chiếc ghế thấp bé trước một cái bàn đựng đầy sò huyết và thầm nguyền rủa kinh đô ánh sáng. Đó là nơi vừa đắt tiền vừa không bao giờ có một thứ sò tươi ngon như thế.

Thế nhưng không phải ai cũng ăn sò huyết như tôi. Bà chị bán hàng cũng biết thế nên trên chiếc bàn nhỏ bé nọ còn đủ các thứ linh tinh khác như hột vịt, ốc hương, ốc hút... Mùi vị của chúng rất khác nhau nhưng dường như chúng thuộc về một chủng loại nên được tập trung vô tay của một người bán. Sau lưng tôi lại là một cái quán khác, gồm một chủng loại khác như mề gà lòng vịt và cũng thu hút nhiều kẻ ăn khuya. Bên cạnh bà chị sò huyết lại là một bà chị khác chuyên bán cháo trắng ăn với cá khô, vịt muối, dưa mặn. Xa hơn một chút là xe mì rồi đến hàng chè sâm bổ lượng. Các khu vực quán cóc khác trong thành phố này cũng hao hao như vậy, dường như chúng có một cấu trúc hẳn hoi về chủng loại.

Bà chị sò huyết có một cô con gái hay ra quán giúp mẹ. Cô quạt than, luộc trứng, gọi bia, có lúc chạy biến vào hẻm bên kia đường lấy thêm hàng cho khách. Dường như ở mặt trong, các hẻm cũng chia nhau công tác hậu cần tiếp vụ. Mặt ngoài, hai bà chị sò huyết và cháo trắng ngồi cạnh nhau, xem ra hợp nhau, thỉnh thoảng trao đổi vài câu thân mật. Qua cách nói chuyện, dường như họ ngồi chung với nhau đã chục năm trời. Bà chị sò huyết có lúc nhìn tôi ái ngại vì lúc nào tôi cũng đến một mình. Không ai đi nhậu một mình cả. Chắc bà lo cho tôi bị cô đơn, nhưng là người Sài Gòn lịch sự, bà không hỏi. Bà chị cháo trắng cũng quen mặt tôi, biết tôi không bao giờ ăn cháo trắng. Dù thế, nhưng những lúc bên cạnh hết ghế, tôi vẫn được ngồi bên bàn bà chị cháo trắng, uống bia ăn sò huyết. Ưa ăn cháo trắng nhất là các cô gái mặc đồ bộ, uể oải từ trong hẻm đi ra, ngồi ăn không nói tiếng nào. Ăn uống mạnh bạo nhất thường là các anh công nhân mặc đồng phục màu xanh đậm. Hẳn các anh làm ca khuya, phải ăn lấy sức. Cũng có những cặp vợ chồng còn trẻ mặt mày hốc hác, đôi mắt đăm chiêu, người vợ im lặng đập trứng cho chồng.

Thế nhưng những chốn đó dĩ nhiên không bao giờ thiếu tiếng ồn. Mặc dù thứ bia ở đây pha với những viên nước đá to tướng vừa để lọt ly, nhạt gần bằng nước lã nhưng lượng nhiều quá quả nhiên cũng biến thành chất. Có chút nồng độ và niềm hứng khởi tụ tập trong phút giây mát trời, dân nhậu nói nhiều và nói to. Thế nên tôi được nghe mọi chuyện về cuộc đời muôn mặt. Chuyện chiến tranh, chuyện tham nhũng, chuyện vụ án, chuyện bánh phở, chuyện hoa hậu, chuyện Việt kiều, chuyện bóng đá... Việt Nam ngày nay đã khác xưa. Người dân công khai bàn những chuyện tưởng chừng như cấm kị. Gần 30 năm sau , điều rõ rệt nhất mà kẻ phương xa về nhà như tôi đều mừng mà thấy rằng mức độ thông tin và nhận thức của người dân lao động rất đáng nể nang. Từ chuyện vĩ mô toàn cầu, siêu cường « Gờ bảy » cho đến những trận bão tuyết đâu đâu ở bên Tây, những vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá chẳng ăn nhằm gì đến ai, họ đều biết vanh vách và nhận định chính xác. Tôi sực thấy có nhiều điều bên Đức mà họ rành rẽ còn hơn tôi.

Thế nên toàn cầu hóa cũng có cái hay, ai cũng học được của ai, tôi ngẫm nghĩ. Thế nhưng bản thân những quán cóc bên đường này thì trên thế giới hẳn không ai bắt chước được. Bắc Âu không thể có quán cóc vì thời tiết quá lạnh. Nước Pháp hay có những quán cà-phê, rượu trà tại ngã tư đường. Tại làng mạc miền Nam xứ Pháp vào mùa hè, chúng mang chút phong vị của cuộc đời dân dã. Những ông già mặt mày hóm hỉnh ngồi uống loại rượu vang đỏ rẻ tiền. Họ làm gì có món nhậu, chỉ uống chay thế thôi, bên cạnh vài người đánh boule. Thế nên họ không thể nào có cái náo nhiệt trong quán cóc của ta. Ấn Độ thì sao ? Đó là một dân tộc không biết ăn nhậu. Họ chỉ ăn uống trong gia đình, không có thói quen la cà ăn hàng. Trong thành phố, tiệm ăn chính qui của họ rất ít, nói chi đến quán cóc. Người dân Trung Quốc coi trọng chuyện ăn uống, đó là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng ở những nơi mà tôi đã đi qua ở lục địa khổng lồ này, tôi chưa từng thấy một nơi nào có hàng quán xem ra vừa tràn lan vừa có một thứ nề nếp hẳn hoi về chủng loại như tại thành phố của chúng ta. Chỉ tại Thái Lan và Singapore là thỉnh thoảng có chút dáng vẻ quán cóc. Đó là những chỗ có những dàn đèn nê-ông nơi mờ nơi tỏ, với bàn ghế thấp nhỏ mà tôi ưa sa vào ngồi xem thử họ bán cái gì. Thế nhưng không bao giờ tôi tìm thấy cái không khí thân tình của ta. Một nơi hào sảng như Việt Nam, nơi mà thỉnh thoảng người ta giành nhau được trả tiền đến nỗi phải to tiếng, nơi đó hẳn không có chỗ thứ hai trên thế giới. Thiếu cái ồn ào đã đành, dĩ nhiên tôi cũng không bao giờ nghe hiểu những gì họ nói, tâm trí của họ dành cho một điều gì khác mà tôi không hề rung động.

Một buổi tối nọ, tôi lại dựng xe vào hàng quán ở hẻm Võ Văn Tần. Hôm nay, ngồi sau cái bàn sò huyết là cô con gái. Cô chào tôi thân thiện và bắt đầu quạt than. Sau mấy tháng, bà chị sò huyết nay đâu vắng. Bà bị ốm hay đã nhường chỗ làm ăn cho con? Tôi đưa mắt nhìn cô gái « Bà chị hôm nay không ra ? ». Cô im lặng. Bà chị cháo trắng bỗng lên tiếng « Bả đi vượt biên rồi ». Tôi nửa tin nửa ngờ, bà chị tuổi đã lớn sao còn đi vượt biên. Không biết vì tội nghiệp bà chị sò huyết hay vì nhìn thấy mặt tôi ngơ ngẩn, bà chị cháo trắng nói nhỏ « Bả chết rồi ». Cô gái im lặng cúi đầu. Tôi định hỏi tại sao bà chị lại chết sớm nhưng lại thôi. Lòng tôi bỗng nhiên trống trải. Tối nay dường như dân nhậu sau lưng tôi cũng ít cãi nhau hơn. Hình như thành phố hôm nay bớt náo nhiệt. Tôi gửi cho cô gái một tờ giấy bạc « Cô em thắp hương cho bà chị giùm tôi ». Cô gái cố giấu một giọt nước mắt.

Ôi, quán cóc bên đường đâu phải chỉ là chỗ nhậu nhẹt ồn ào. Nó cũng không phải chỉ là tế bào, là đơn vị phân phối có cấu trúc hẳn hoi của một nền kinh tế đồ sộ như của thành phố năm triệu dân này. Nó chính là cuộc đời. Những quán cóc bên đường nuôi sống hàng trăm hàng ngàn hộ dân, tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác, là nơi diễn ra cảnh ngộ muôn màu muôn vẻ của cả kẻ mua lẫn người bán, của những giấc mơ con, những cuộc đời nhỏ bé, những số phận không tên.

Sưu tầm
- Nguyễn Tường Bách -
(Báo Diễn Đàn - Pháp)
View blog reactions

Thú ngồi quán vỉa hè


Thú ngồi quán vỉa hè

Từ sáng sớm tinh mơ đến quá nửa đêm, đi đến đâu cũng thấy có rất đông người ngồi quán vỉa hè.
Một người bạn từ Hà Nội vào TPHCM lần đầu nhận xét như vậy. Bỗng giựt mình. Ở TP lâu đôi khi không nhận ra nét đặc trưng ấy của TP.


Sáng nay, thứ bảy, thảnh thơi thả bộ một vòng để tận hưởng cái thú ngồi quán vỉa hè mà đã lâu ngỡ như không còn nhớ đến nữa do bị cuốn hút vào cuộc mưu sinh. Còn gì thú vị cho bằng sáng sớm đã có ly cà phê bốc khói với tờ báo trên tay. Miệng nhấm nháp vị ngon của ly cà phê, mắt dõi theo những dòng tin nóng hổi thời sự vừa xảy ra hai mươi bốn giờ qua, tai nghe âm thanh hối hả của bình minh một ngày đang đến. Có người thay cho ly cà phê là món điểm tâm sáng, chẳng hạn một tô hủ tiếu bình dân rắc vài cọng lá hẹ xanh xanh hoặc đơn giản là gói xôi đậu xanh đường cát cơm dừa... Cuộc sống công nghiệp sôi động đã khiến cho ngày càng nhiều người dân TP không có thời gian chuẩn bị cho mình bữa ăn sáng tại nhà.
Ngồi vỉa hè cùng với dăm ba người bạn cũ lại có cái thú vị khác. Kỷ niệm một thời của tuổi mới lớn hiện về với những buổi đón đưa bên hè phố vắng lấm tấm lá me rơi. Chuyện cũ nói hoài không hết. Người này nhắc cho người kia nhớ. Dòng hồi ức cứ thế trào tuôn. Chợt thấy TP giống như người bạn vong niên tâm đầu ý hợp.

Nhà văn Sơn Nam có lần nhận xét những người ngồi vỉa hè đa số là dân lao động.

Từ ngồi quán vỉa hè mà biết bao chuyện nhân tình thế thái rót vào tai nhà văn, tạo nguồn cảm hứng cho ngòi bút. Lâu dần, ngồi quán vỉa hè trở thành một nét văn hóa dễ thương và riêng biệt của TP.

Dẫu biết, với xu thế phát triển của một TP công nghiệp, mai kia quán vỉa hè sẽ không còn nữa, nhưng sao lòng vẫn thấy bùi ngùi.
Lê Đông - bao NLD

View blog reactions

Quê hương trên đôi vai gầy

Quê hương trên đôi vai gầy

Sài Gòn bây giờ có thể đã vắng nhiều những tiếng rao, nhất là về đêm. Không thiếu gì người bán hàng rong vẫn quang gánh kĩu kịt từng con hẻm quanh co nhưng tiếng rao của họ đã bị vô số tiếng ồn xe cộ, TV, âm nhạc lấn áp.

Ngày trước, mỗi khi nghe tiếng rao quen thuộc là người Sài Gòn có thể biết giờ mà khỏi cần coi đồng hồ. Tiếng rao trở thành thân thuộc đến nỗi khi vắng nó một vài hôm đã khiến người ta lo lắng cho sức khoẻ của người bán dạo. Để rồi khi được nghe lại tiếng rao thì bồi hồi như thể vừa gặp lại người quen! Tiếng rao Sài Gòn có sắc thái riêng. Bây giờ, tiếng rao có khi được thay bằng những thanh âm khác: tiếng lóc cóc của xe mì gõ lúc nửa đêm, hay tiếng xoành xoạch của anh chàng đấm bóp...

Cuộc sống Sài Gòn như đầy đặn hơn trong những con hẻm nhỏ. Chỗ lày là quán cà phê cóc, kế bên là quán cơm bình dân, đối diện là quán bún bò nằm cạnh quán phở... Ăn uống ở những quán này, giá cả rất bình dân mà chất lượng cũng... chấp nhận được! Với những người tỉnh lẻ lên Sài Gòn ở trọ vài năm thì chắc chắn những tiếng rao của cái đô thị này đã ngấm vào ký ức. Sài Gòn là vậy, hối hả, ồn ào nhưng rất dễ thương dễ nhớ. Nhớ tiếng rao, là một phần hồn của Sài Gòn, ai đã đến rồi đều mang theo khi tạm biệt. Đó là một phần đặc trưng, một phần bản sắc của Sài Gòn vậy!

Sáng tinh mơ Sài Gòn đã quen với tiếng rao "bánh mì nóng giòn...", "báo mới đây...",. Sau những "thức điểm tâm" đó là một ngày làm việc với: "ve chai, đồ điện hư cũ bán hông..." vào buổi trưa, "bánh bò bánh tiêu bánh cuốn", "xôi khúc bánh tét bánh giò" vào buổi chiều kéo tận đến khuya. Đêm Sài Gòn không thể thiếu tiếng lóc cóc của đội quân xe mì gõ suốt hai mùa mưa nắng ... Gần đây, dân nhập cư, nông nhàn đổ về thành phố ngày càng đông. Tiếng rao cũng "phong phú" nhiều mặt hàng hơn: ve chai, khoai lang, khoai mì, đậu phộng nấu, bắp nấu...

Bước trên đường phố Sàigòn náo nhiệt và sống động, ta có thể nghe thấy khắp các đường, hẻm những tiếng rao "tiếp thị". Đường phố thì ồn ào, nhà ở thì cao tầng, tiếng rao dường như không còn ngân nga như trước. Người rao cố vươn dài cổ, hét thật to để át đi những âm thanh hỗn độn của cuộc sống.

Tiếng rao Sài Gòn tựa như một bài hát có âm, có điệu, có vần nghe thật hấp dẫn. Nhưng đằng sau những âm thanh đó là nếp sinh hoạt người dân chốn thị thành từ lâu đời, chống chọi với gian khổ để giành lấy cuộc sống bản thân!

Tiếng lóc cóc của những xe hàng rong đi qua
Mùi thơm đánh thức cả con hẻm nhỏ
Náo nức những tiếng rao buổi sáng
"Báo đê… ê… , bánh mì nóng, xôi vò đê…ê!"
(Thành phố buổi sáng - Thơ: Trương Trọng Nghĩa)

Sài Gòn hôm nay có những tiếng rao mới: “Thịt ngon, cá tươi, rau xanh các bác ơi!”... Đó là âm thanh của tiếng rao vào sáng sớm trong các khu phố bình dân. Người rao là những cô gái trẻ quê phía Bắc. Các cô cột hai cái rổ sắt hai bên yên sau chiếc xe đạp, chứa vài thứ thực phẩm tươi sống: thịt, cá, rau củ quả... Thật tiện lợi, mang chợ đến tận nhà! Đi theo "sau lưng" các cô là những anh chàng mà tiếng rao được “hiện đại hoá” bằng băng cassette, phát ra liên tục, đều đều: “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ một ngàn một ổ”... Xen kẽ theo “bánh mì đặc ruột”, là các cô, các bà cưỡi xe đạp, chở phía sau một nồi xôi rất... Bắc Kỳ và cất tiếng rao: “Xôi khúc đây!”.

Rồi tiếng rao buổi sáng trên các hẻm hóc Sài Gòn sẽ được nâng lên "cao trào" khi xuất hiện những anh chàng đạp xe, cùng chiếc loa phát ra lời rao lanh lảnh từ máy cassette: "Keo dính chuột sản xuất bằng công nghệ hóa màu đã được kiểm nghiệm cực kỳ khoa học, không gây độc hại cho người!"... Keo dính chuột có thể không gây hại, nhưng tiếng rao oang oang của anh ta có thể đã lập tức gây "ngộ độc" màng nhĩ của bà con trong xóm! Rồi sẽ xuất hiện từ đầu hẻm một người đẩy chiếc cân sức khỏe, cao nghễu nghện đi vào với lời rao tự động: “Cân nặng 55 kg, chiều cao 1m60, sức khỏe tốt...”.

Buổi trưa và chiều Sài Gòn những tiếng rao vẫn tiếp tục cất lên nhằm "giới thiệu sản phẩm": bò bía, bột chiên, hủ tiếu gõ, trái cây… cả tiếng rao mài dao mài kéo!

Sài Gòn về đêm làm cho người ta ít nhiều có những ký ức mông lung gợi nhớ... Những tiếng rao đêm như xói vào lòng người. Xe mì gõ nơi góc đường bốc hơi nghi ngút toả hương thơm cả một quãng phố dài. Tiếng gõ lóc cốc của thằng bé bán mì vang đi khắp xóm. Tiếng gõ nhịp vang lên trong từng con hẻm - như một tiếng rao đêm nhẹ nhàng mà da diết - khi mọi người đã say trong giấc ngủ thì có ai còn thao thức bởi những con người này không? Saigon về đêm vẫn còn ẩn chứa biết bao điều...

Ngồi trên căn gác xép, người Sài Gòn đêm đêm lại nghe văng vẳng đâu đó một mớ âm thanh hỗn độn: tiếng rao đêm, tiếng chổi của những người quét rác, tiếng bước chân người qua lại, tiếng gõ phát ra từ những xe hủ tiếu mì… Những âm thanh ấy ngày càng nhỏ dần và rơi vào khoảng không vô tận, hun hút của màn đêm. Trong đó có lẫn tiếng rao của những người mẹ - tiếng rao nuôi lớn cuộc đời những đứa trẻ nghèo thành thị.

Có thể bây giờ phố không còn trẻ đâu
Tiếng rao đêm đã khàn hơn một chút
Chiếc xe già nua mõi hơn thời trước
Người đạp xe quen gọi tóc muối tiêu

Nhớ thật nhiều và quên cũng thật nhiều
Không thể quên phần ba ly cà fé đậm
Trong mưa khuya nhớ thương lời rao sáng
Giữa nắng ngày thương nhớ tiếng rao đêm
(Sài gòn trong khúc nhớ quên - thơ TRẦN KIÊU BẠC, California)

Đêm càng khuya, tiếng rao càng nhỏ, nhưng lại vang xa, ngân dài từ đầu phố đến cuối phố, nhẫn nại và chậm chạp. Tiếng rao nối những con phố dài vắng lặng hun hút ánh đèn, làm cho đêm như sâu hơn. Tiếng rao đêm lanh lảnh của ai kia văng vẳng vọng về. Bên ngoài kia còn biết bao người lam lũ vất vã... Thành phố phát triển có những đổi thay xa lạ với chính nó. Điều này quá hiển nhiên như bây giờ ít được nghe tiếng rao đêm của người bán ăn khuya vì ở ngã tư kia giờ đã có hàng quán sáng ánh điện suốt đêm, ký ức thỉnh thoảng vẫn vọng lại tiếng rao đêm, ánh đèn dầu....

Có tiếng rao như lời Mẹ tôi, như lời chị tôi
Mang quê hương trên đôi vai gầy
Những trái ổi sẻ, những trái me
Ðậu phộng luộc, đòn gánh tre
Ai mua, ai không mua, ai mua
(Tiếng rao - lời ca khúc Võ Thiện Thanh)

Tùng Thi
Theo Người Viễn Xứ
__________________ View blog reactions

Sài gòn của tôi

Jalbum Badge

About this blog

Trả lại em yêu khung trời đại học con đuờng Duy Tân, cây dài bóng mát...


Có khi nào trên đường đời tấp nập
Tui dzô tình dzấp phải ...Bịch Kim Cương


...Chiến tranh cũng có những khoảnh khắc yên lặng đầy chất thơ, nó làm cõi lòng những người lính chiến lắng dịu trong nỗi đau day dứt của sự mất mát, và nó cũng chính là những kỷ niệm sống động còn đọng lại trong ký ức của những người lính trở về sau cuộc chiến. Năm tháng trôi như thác đổ, cuốn cuộc đời con người lao nhanh về cõi hư vô, đôi lúc mỏi mệt, dừng lại một chút nghĩ về quá khứ để suy ngẫm, để đắn đo, để áy náy và cũng để mỉm cười, đó cũng là lúc ta thấy cõi lòng mình lắng dịu.



"Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người..."


Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

Jason vs Bean

Iron Man vs Bruce Lee

´´© Sài Gòn của tôi -- by Lê Minh Chính-- 2008

  © Blogger template Spain by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP