Showing posts with label cháo lòng. Show all posts
Showing posts with label cháo lòng. Show all posts

Tuesday, September 9, 2008

Cháo lòng

Lòng

Trong thế giới ẩm thực, lòng bao hàm nhiều món ăn. Mỗi món ăn còn tồn tại đến nay hun đúc trong nó bao nhiêu tinh hoa trải nghiệm, bên Đông cũng như Tây (tripe)

Trước hết, món mà nhiều người hâm mộ ở Sài Gòn là cháo lòng.

Cháo Sài Gòn


Lòng phải được xử lý qua sôi qua lạnh đúng kỹ thuật mới giòn


Nói đến cháo lòng, người ta thường nghĩ ngay đến người bán là một bà già, nhất là bà già người Bắc; nơi bán thường hơi dơ dơ, xộc xệch, cái ám ảnh này có lẽ bởi từ cái màu ngà ngà của cháo lòng được gán với những vật dụng như quần áo vải màn màu trắng lâu ngày biến thành màu cháo lòng, tạo ra sự liên tưởng về dơ dơ, từ đó cái nghĩa phát sinh này quay lại ám lấy cháo lòng…

Nhưng cháo lòng Sài Gòn giờ đây cũng có nhiều địa chỉ tinh tươm, bà bán cháo cũng không hẳn già. Với cháo lòng trường phái Long An lai Hoa, thì phải là một ông bán cháo thay vì bà.
Bỏ qua cái cháo lòng Chợ Đệm mà nhà văn Nguyễn Văn Trấn ca ngợi thời xa xưa, cách đây nửa thế kỷ, Sài Gòn bây giờ cũng có một số quán cháo lòng ngon. Cháo lòng kiểu Bắc ngon có thể kể đến là cháo lòng Lăng Cha Cả - Bắc 54, nằm ở gần vòng xoay Lê Văn Sỹ, Cộng Hoà, Hoàng Văn Thụ. Cách đó không xa, cũng trên đường Lê Văn Sỹ, có một quán, ăn tạm được. Rồi đến cháo lòng “mẫu hậu” trên đường Lê Thánh Tôn, quán cháo chỉ phơi chỗ nấu cháo ra một không gian mặt tiền nhà siêu mỏng, và bán ở một không gian lùi sâu bên trong, cạnh chỗ chế biến. Gọi là cháo lòng “mẫu hậu” vì hình tượng rất đặc biệt của bà chủ quán, bạn có thể tìm đến và khám phá. Rồi đến cháo lòng Hải Phòng trên đường Trần Hưng Đạo, nơi ngã tư kết thúc đường Cống Quỳnh.

Ngoài ra, còn một quán khá đông khách là cháo lòng Trần Quang Khải, cuối đường Pasteur… Ở ga xe lửa Sài Gòn cũng có một quán “dơ dơ, xập xệ”, một thời ăn cũng được, nhưng bây giờ đã không còn như xưa. Những quán cháo sau đều là Bắc sau 75.




Rau mùi đi với cháo lòng.


Cháo lòng kiểu Nam có một quán đông khách ở trên đường Võ Thị Sáu, giữa ngã tư Hai Bà Trưng và Pasteur, xế đối diện cây xăng. Một quán khác kiểu Long An lai Hoa nằm trên đường Cao Thắng.

Cháo lòng mỗi miền có nét riêng của nó. Cháo Bắc thường bán vào buổi sáng, lúc nào cũng có tiết canh và rượu đế các loại, nhất là những quán do người Bắc 75, có những loại rượu đặc trưng của miền Bắc, như rượu Làng Vân, rượu mơ, nhưng thường là rượu dỏm, không ngon như danh tiếng vốn có của tên rượu. Khách đến các quán này thường là người Bắc, có thói quen ăn cháo, tiết canh, uống chút rượu.

Cháo lòng Nam lại đông khách vào buổi chiều. Riêng quán cháo Cao Thắng còn có món “đèn pha” – mắt heo.

Những quán cháo lòng nói trên đều là cháo lòng heo. Sài Gòn cũng có cháo lòng bò, nhưng không thịnh.

Âm nhạc trong tô cháo




Cháo nấu theo công thức cháo hoa đòi hỏi người nấu trước tiên phải biết chọn gạo, vì mỗi kiểu gạo tuỳ theo độ dẻo, có kiểu nở riêng, có loại nở thành hoa, cũng có loại không.


Cháo lòng đến lượt nó, được tạo nên bởi hai yếu tố: cháo và lòng. Cả hai yếu tố này đều có công thức chế biến riêng để tạo ra tô cháo ngon, hấp dẫn nhiều người.

Cháo trong cách nấu cũng lắm công phu. Do cái lắm ấy mà cháo đi sâu vào trong ca dao tục ngữ của người Việt. Cháo nấu theo công thức cháo hoa đòi hỏi người nấu trước tiên phải biết chọn gạo, vì mỗi kiểu gạo tuỳ theo độ dẻo, có kiểu nở riêng, có loại nở thành hoa, cũng có loại không. Khi nấu, người nấu canh lửa vừa phải, để dễ nhìn thấy hạt gạo vì nước không sôi mạnh, kèm theo một lượng nước nóng để châm khi nước cạn, và canh chừng lúc gạo vừa nở bung thành hoa là nhắc xuống. Lúc đó mới châm nước nguội để hãm hạt gạo nở thêm.

Cũng có nơi nấu cháo bằng gạo rang. Trước tiên dùng gạo rang bằng lửa nhỏ đến khi gạo dậy mùi. Sau đó cho gạo vào nước sôi, chờ sôi lại là nhắc xuống, để cho gạo có thời gian nở hoa.

Sau khi nấu cháo, còn phải chăm sóc cho lòng giòn với kỹ thuật luộc có ngâm nước nguội.

Cuối cùng, để tô cháo ngon, người ta nấu nước dùng riêng bằng xương heo. Đó là nối kết giữa gạo nở hoa và lòng, nghĩa là vớt gạo cháo ra cho chung vào nước dùng và lòng. Lúc đó, nước dùng trong, có vị ngọt riêng, phối với vị ngọt của gạo và cái giòn của lòng, cùng với các loại rau mùi, thành một hợp âm tuyệt tác, tô cháo coi như có thể đi vào âm nhạc.
Còn những lòng khác có dịp sẽ nói đến…
Ngữ Yên




Ăn cháo Sài Gòn

Quán cháo trên đường Phó Đức Chính, Q.1 TPHCM




Sài Gòn nổi tiếng trong làng ẩm thực Việt với món cháo. Từ món cháo Tiều thanh đạm đến cháo ếch Singapore vẫn còn lạ lẫm với giới sành ăn. Tờ mờ sáng, bắt đầu với các gánh cháo bình dân trong các hẻm nhỏ hay chợ.

Quán cháo sườn bà Hào (hẻm cuối đường Trần Khắc Chân, quận 1) nổi tiếng khu Tân Định vì ngon và rẻ. Gạo được xay từ chiều hôm trước rồi nấu lúc giữa đêm với nước hầm sườn heo. Ngồi lúp xúp trong làn hơi sương, ăn chén cháo đặc sệt, nóng hổi, miếng sườn mềm rụn khiến nhiều người khoan khoái.

Trưa, đổi khẩu vị ghé quán cháo Bắc. Giá không rẻ nhưng quán Ngọc Bích (đường Pasteur, quận 3) luôn hút khách vì luôn giữ đúng gu Bắc. Muốn ăn cháo thay cho buổi ăn tối, quán cháo mực (Phó Đức Chính, quận 1) sẽ đáp ứng nhu cầu no, ngon và không đắt tiền.

Cháo được nấu hơi lỏng với sườn heo, mực khô, chân gà ăn khá đậm đà. Trời về khuya là lúc phố cháo thập cẩm của người Hoa lên ngôi (Tạ Uyên, quận 5). Cháo được ăn với tôm, mực, tim, gan, cật. Thêm chút cải, xà lách, bốc hương thơm ngát trong đêm

Đ. Phú View blog reactions

Sài gòn của tôi

Jalbum Badge

About this blog

Trả lại em yêu khung trời đại học con đuờng Duy Tân, cây dài bóng mát...


Có khi nào trên đường đời tấp nập
Tui dzô tình dzấp phải ...Bịch Kim Cương


...Chiến tranh cũng có những khoảnh khắc yên lặng đầy chất thơ, nó làm cõi lòng những người lính chiến lắng dịu trong nỗi đau day dứt của sự mất mát, và nó cũng chính là những kỷ niệm sống động còn đọng lại trong ký ức của những người lính trở về sau cuộc chiến. Năm tháng trôi như thác đổ, cuốn cuộc đời con người lao nhanh về cõi hư vô, đôi lúc mỏi mệt, dừng lại một chút nghĩ về quá khứ để suy ngẫm, để đắn đo, để áy náy và cũng để mỉm cười, đó cũng là lúc ta thấy cõi lòng mình lắng dịu.



"Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người..."


Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

Jason vs Bean

Iron Man vs Bruce Lee

´´© Sài Gòn của tôi -- by Lê Minh Chính-- 2008

  © Blogger template Spain by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP