Monday, December 13, 2010

Ở đời có bốn cái ngu…

Các cụ dạy:

Ở đời có bốn cái ngu:

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu

Bốn cái ngu xếp hàng ngang nên chả biết được


cái ngu nào ngu hơn cái ngu nào, gạch ra thế kia là theo chiều tăng hay chiều giảm của độ ngu.

Cái ngu đầu tiên – làm mai, nghĩa là làm ông mai bà mối, mà ở đây là làm mai mối nghiệp dư, toàn người thân quen với nhau, chứ không phải dịch vụ mai mối ăn tiền. Người ta nên duyên chồng vợ thì không sao, lỡ mà không nên chuyện, mình cũng khó ăn nói với đôi bên, gặp nhau sẽ có đôi chút sượng sùng. Nên duyên chồng vợ xong cũng chưa hẳn là xong. Đến chồng bát chồng đĩa còn có lúc chạm nhau nữa là chồng vợ. Những lúc đó, người ta có khi lại nghĩ đến mình mà mắng thầm cũng nên. Đã lỡ đi làm mai cho người khác là dại rồi.

Lãnh nợ cũng nguy hiểm chả kém. Tự dưng đang yên đang lành lại đứng ra bảo lãnh cho người ta vay nợ nhau, người đòi nợ đòi mãi không được cũng phiền, mà người nợ bị đòi riết cũng phiền. Đồng tiền vốn chẳng quan trọng, nhưng tự nhiên vì mấy đồng vặt mà anh em bạn bè nhìn nhau bằng đôi mắt khác, không còn tự nhiên như trước được nữa.

Một cái ngu khác là đi bẫy cu, phải nấp một chỗ mà gác. Con chim rừng thấy con chim mồi là kẻ xâm phạm lãnh thổ, sẽ bay lại hót thị uy. Con chim mồi đáp lễ, con chim rừng lại hót, hai con cứ hót qua hót lại như vậy cho đến khi con chim rừng đáp xuống tấn công, bẫy sập. Bẫy cu mà không tinh, không khéo, thì không dụ được con cu đẹp, có giọng, mất công nấp kín một chỗ cả buổi mà không nên chuyện. Lại có khi con cu rừng và con cu mồi vờn nhau, kỳ phùng địch thủ, hót cả ngày, người gác cu nghe mê mệt đến nỗi mất cảnh giác, bị cọp vồ. Cụ Sơn Nam cũng từng kể câu chuyện ông già gác cu suýt bị cọp vồ là vậy.

Giờ nói đến cái ngu chính trong bài viết này: cầm chầu. Không hiểu sao nó được xếp cuối cùng, vì đó là cái ngu lớn nhất hay vì là cái ít ngu nhất ?

Để hiểu được vì sao cầm chầu lại được xếp trên bảng vàng bốn cái ngu, trước hết phải biết cầm chầu là gì, người cầm chầu là ai.

Cầm chầu là một hoạt động đặc trưng trong ca trù, khi người thính giả được tham gia một cách trực tiếp vào canh hát. Ba nhạc cụ chính của ca trù là đàn đáy, cỗ phách, và trống chầu, thì người cầm chầu xưa thường không phải là thành viên trong đoàn hát mà là người nghe có hiểu biết về văn học, về các làn điệu ca trù qua tiếng đàn tiếng hát, khổ phách. Người thính giả đặc biệt này sử dụng trống để khen, chê đào, kép, cũng như đánh dấu chấm câu sau mỗi câu hát.

Cầm chầu là một thú chơi tao nhã của bậc tao nhân mặc khách. Người cầm chầu, còn gọi là quan viên, là người đánh trống trong các canh hát ca trù. Khác với tất cả các loại hình biểu diễn khác, người đánh trống – quan viên không phải là một nhạc công chuyên nghiệp. Anh ta tham gia canh hát với tư cách thính giả, một thính giả đặc biệt, sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen – chê ca nương, kép đàn. Người cầm chầu trong một canh hát được gọi là quan viên.

Nghề chơi cũng lắm công phu lắm. Trong những khi làng có hội, mở canh hát ở cửa đình, các quan viên, thường là chức sắc trong làng sẽ cầm chầu. Mỗi tiếng “cắc” vào tang trống là một lần tấm thẻ tre được quẳng vào thau đồng. Cuối canh hát, người ta cứ dựa vào số thẻ tre trong thau đồng mà tính ra số tiền phải thưởng cho đào nương, kép đàn. Chữ Hán “trù” là “thẻ”, đó cũng là một trong những lý do tạo nên cái tên “Ca Trù”.

Vấn đề là người lãnh trách nhiệm quan viên phải biết cách nghe, đã khen thì khen thẳng cánh, nhưng khen nhiều, lúc thưởng tiền cho ca nương kép đàn lại lên cơn tiếc. Người cầm chầu cũng phải biết khen, chê đúng chỗ, đúng lúc, chấm câu sao cho nhã, không đánh tống khẩu, đánh trống như đấm vào mồm ca nương. Giữa bàn dân thiên hạ mà đánh trượt, mải ngắm đào hát mà quên chấm câu, khen chê bừa bãi thì ê mặt lắm, xung quanh bao nhiêu kẻ cầm chầu đến mòn cả trống đều biết. Bỗng dưng mình hóa ra kẻ chơi trèo, văn hóa lùn mà thích phô trương. Ngay đến cả canh hát ở nhà riêng, chỉ có mình, một đôi người bạn thân, với cô đầu mà cầm chầu không đúng cũng ê mặt như thường. Ê mặt với bạn một, mà ê mặt với cô đầu mười. Cô đầu sẽ coi gã này như kẻ trọc phú giàu xổi, ăn chơi nửa mùa đua đòi ra tao nhân mặc khách cho hợp mốt mà thôi.

Trong số 4 cái ngu được các cụ liệt kê, 2 cái ngu trước là mang tính xã hội, hai cái ngu sau đầy chất cá nhân. Quan trọng là biết ngu, nhưng người ta vẫn cứ lao vào, lao mạnh. Thế mới là con người.

Ba cái đầu tớ không rõ nó sướng đến đâu, nhưng cứ thử cầm chầu, rồi mang tiếng ngu cũng đáng.
View blog reactions

No comments:

Sài gòn của tôi

Jalbum Badge

About this blog

Trả lại em yêu khung trời đại học con đuờng Duy Tân, cây dài bóng mát...


Có khi nào trên đường đời tấp nập
Tui dzô tình dzấp phải ...Bịch Kim Cương


...Chiến tranh cũng có những khoảnh khắc yên lặng đầy chất thơ, nó làm cõi lòng những người lính chiến lắng dịu trong nỗi đau day dứt của sự mất mát, và nó cũng chính là những kỷ niệm sống động còn đọng lại trong ký ức của những người lính trở về sau cuộc chiến. Năm tháng trôi như thác đổ, cuốn cuộc đời con người lao nhanh về cõi hư vô, đôi lúc mỏi mệt, dừng lại một chút nghĩ về quá khứ để suy ngẫm, để đắn đo, để áy náy và cũng để mỉm cười, đó cũng là lúc ta thấy cõi lòng mình lắng dịu.



"Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người..."


Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

Jason vs Bean

Iron Man vs Bruce Lee

´´© Sài Gòn của tôi -- by Lê Minh Chính-- 2008

  © Blogger template Spain by Ourblogtemplates.com 2008

Back to TOP